Sống tối giản

1 vài chia sẻ về chủ nghĩa tối giản

Mình không chủ định trở thành 1 người theo chủ nghĩa tối giản. Tuy nhiên vô tình mình càng ngày tối giản mọi thứ trong cuộc sống, từ công việc, cuộc sống, từ cách dọn dẹp, chi tiêu, phân bổ tài chính …Bởi tư duy tối giản giúp mình tìm thấy điểm đủ của bản thân, giải phóng khỏi sự ràng buộc của vật chất và đạt được tự do mình luôn ao ước. Dưới đây là 1 số trải nghiệm của mình sau 3 năm thực hành tối giản

Chủ nghĩa tối giản là gì?

Tối giản là 1 triết lý sống không phải 1 trào lưu
Tối giản là 1 triết lý sống không phải 1 trào lưu

Nói qua 1 chút về tối giản. Ban đầu khi tìm hiểu về tối giản như 1 trào lưu bỏ bớt đồ và tiết giảm chi tiêu. Câu nói: “Mỗi người chỉ cần không gian bằng 1 chiếc chiếu tatami để sống” trong cuốn sách “chủ nghĩa tối giản” đã tác động mạnh mẽ đến mình. Mình tự hỏi nếu chỉ cần 1 chiếc chiếu tatami thì có cần phải ngày đêm làm việc, kiếm tiền để mua những thứ vô nghĩa khác làm gì?

Tuy nhiên phong cách sống tối giản không phải là 1 trào lưu bỏ bớt càng nhiều đồ càng tốt. Mà là 1 lối tư duy giúp loại bỏ dần những thứ vô nghĩa, tập trung tìm ra và phát triển giá trị đích thực của bạn.

Những lợi ích của tối giản đã thay đổi cuộc sống của mình

Sống tối giản giúp tôi tìm thấy điểm đủ và tự do thục sự
Chủ nghĩa tối giản đã xóa bỏ ràng buộc về vật chất của tôi

Nâng cao Chất lượng cuộc sống

Mỗi 1 người có nhu cầu về vật chất, tinh thần đều rất khác nhau. Sau 3 năm thực hành tối giản, 2 năm với KonMari, mình nhận ra rằng tối giản khiến mình tập trung vào chất lượng món đồ mình sở hữu thay vì số lượng.

Thay vì mua 3 cái váy 300k trong các chương trình quảng cáo trên mạng, theo trend thời điểm đó, mình mua 1 bộ đồ thiết kế hoặc 1 món đồ phong cách basic giá tầm 500k đến 1 triệu. 

Bởi với món đồ này, chất liệu và kiểu dáng thanh lịch, không quá mốt nhưng có gu, phù hợp với hầu hết mọi sự kiện mình hay tham dự. Có thể mặc đi làm, đi chơi, đi cafe, thậm chí đi dự tiệc cưới, sinh nhật…Tính ứng dụng rất cao.

Những bộ quần áo có thương hiệu đường kim mũi chỉ cũng tinh tế, độ bền màu cũng tốt hơn mặc lên người rất thoải mái, do đó mình cũng thích mặc và đương nhiên sẽ mặc thường xuyên vì yêu thích. 

Đồ trong nhà cũng vậy, mình sẽ cố gắng chọn đồ tốt nhất trong khả năng tài chính, không phải vì thương hiệu đó mà vì sự thoải mái và tiện ích khi sử dụng. Chính vì những món đồ mua đều có giá trị hơi cao so với thu nhập nên khi mua mình cân nhắc kỹ lưỡng hơn. Mình tự đặt rất nhiều câu hỏi để xác định ngoài cảm xúc thích thú do trải nghiệm mua sắm,những món đồ đó dùng để làm những gì nữa, tần suất bao nhiêu lần/ ngày/ tuần/tháng… 

Nhờ sự cân nhắc này mà quyết định mua sắm bớt tùy tiện, không còn suy nghĩ “chả đáng là bao đâu nên mua đại”. Hầu hết các món đồ mua về đều được sử dụng tối đa công suất. Thói quen sử dụng những món đồ chất lượng cũng khiến mình bỏ đi thói quen tùy tiện ngay cả với những món đồ nhỏ nhất. Từ đó tiêu chuẩn sống của mình cũng tăng lên, chất lượng cuộc sống cũng thay đổi tốt hơn.

Càng ít đồ đạc dư thừa, mình càng thấy việc dọn dẹp và giữ cho ngôi nhà ngăn nắp thật dễ dàng. Ở trong môi trường thoáng đãng, sạch sẽ, ngăn nắp khiến tinh thần mình vui vẻ và bình an.

Tiết kiệm thời gian

Đây là điều có thể thấy rõ ràng khi áp dụng tối giản vào cuộc sống bởi:

Mình không mất thời gian la cà mỗi ngày ở những shop đồ sale, đọc tin tức săn sale, hay mua hàng bởi tác động của quảng cáo. Để tối giản đồ đạc xuống mức cần thiết, số lượng 1 món đồ nào đó trong nhà sẽ luôn là cố định, kể cả đồ dự trữ cũng chỉ dùng trong 1 khoảng thời gian như 1 tuần, 1 tháng, thậm chí có người cảm thấy việc đi mua thường xuyên không ảnh hưởng quỹ thời gian giá trị của họ, họ có thể quyết định không tích trữ.

 Xác định được điểm đủ cho mỗi cá nhân hay mỗi thời điểm là khác nhau. Tuy nhiên tư duy tối giản khiến mình không còn thói quen mua những món đồ với suy nghĩ rằng có thể dùng lúc nào đó, hay vào việc gì đó không xác định nữa.

Khi tập trung vào những món đồ chất lượng hơn là số lượng, một món đồ có nhiều công năng cũng khiến mình không mất thời gian đắn đo khi phải ra quyết định trước quá nhiều lựa chọn. Với 1 người khó ra quyết định, điều này giúp mình giảm stress và tiết kiệm được nhiều thời gian.

 Tiết kiệm tài chính

Việc đầu tư nhiều nhưng sở hữu ít đi với những đồ vật có chất lượng tốt đem lại trải nghiệm thoải mái và nâng cao chất lượng cuộc sống. Với số lượng đồ đạc ít, mình sẽ sử dụng chúng nhiều hơn, tận dụng tối đa công năng của chúng. Ngoài ra những món đồ được sản xuất với chất lượng tốt thường bền hơn những đồ giá rẻ, nên thực tế mình thấy chúng có thể được dùng lâu hơn, tiết kiệm việc mua mới thường xuyên.

Ngoài ra khi bỏ là món tiền lớn hơn để mua 1 món đồ, sự tiếc nuối làm mình cân nhắc nhiều lần trước khi mua. Bỏ qua cảm xúc bị kích thích bởi trend và quảng cáo, mình sẽ suy nghĩ nhiều hơn về mục đích thực sự của việc mua hàng và đo lường lợi ích mà món đồ đó mang lại cho cuộc sống của mình, chi tiêu từ đó cũng có chủ đích và lý trí hơn.

Tự do và hạnh phúc thực sự

Tối giản không chỉ mang lại cho mình 1 không gian sống ít đồ đạc, ngăn nắp, sạch sẽ, nâng cao chất lượng sống, mà còn giải phóng mình ra khỏi sự trói buộc của đồ đạc, vật chất. 

Mình dễ dàng ra quyết định đi chơi đâu đó với 1 túi hành lý đơn giản. Thậm chí mình còn lên dự định trải nghiệm sống ở nhiều nơi bởi không phải mang quá nhiều đồ khi di chuyển.

 Ngay cả với 1 gia đình và 2 bạn nhỏ cần chăm sóc tỉ mỉ, tư duy tối giản giúp mình lên danh sách vật dụng đủ đáp ứng nhu cầu của cả gia đình cũng rất rõ ràng. Các bạn có thể tự chuẩn bị và mẹ chỉ là người check lại cho đủ. Mình không còn ái ngại với tay xách nách mang mà vẫn luôn thiếu đồ dùng như xưa nữa

Một số hiểu lầm về chủ nghĩa tối giản

Không gian tối giản mang đến sự bình an trong tâm trí
Tối giản giúp nâng cao chất lượng cuộc sống

Càng ít đồ càng tốt

Khi mới tìm hiểu về lối sống tối giản, mình nghĩ rằng đó là 1 lối sống thật khó để theo đuổi và thực hiện, có lẽ nó không phù hợp với số đông. 

Tuy nhiên khi tìm hiểu sâu hơn triết lý tối giản, mình nhận ra rằng tối giản không thể hiện ở chỗ bạn có mấy đôi giày, mấy cái áo, mấy đôi đũa, đồ của bạn có nằm gọn được trong 1 balo hay không?

Tối giản thực sự là khi bạn xác định được số lượng bao nhiêu là đủ với bạn, cho bạn sự thoải mái và đủ đầy nhất mà không trói buộc, làm bạn áp lực. Điểm đủ này của mỗi người lại rất khác nhau. Như mình, 5 bộ quần áo đơn giản cho tất cả các dịp là đủ, nhiều hơn mình không dùng đến và sẽ bỏ xó 1 phần.

Nhưng với chị gái mình thì 15 bộ để thay cả tháng mới đủ. Với mình đồ cotton là thoải mái, thì chị ấy thích những kiểu dáng cầu kỳ, thiết kế lạ mắt mới là đủ. Chị ấy sử dụng chúng thường xuyên với niềm vui thích.

Chỉ cần bạn có thể quản lý và sử dụng tối ưu món đồ đó chứ không bỏ xó hay bị áp lực vì phải chăm sóc chúng, là bạn đã chạm đến tinh thần tối giản rồi.

Tối giản là sống khắc khổ, thiếu thốn

Cũng giống như ý trên, tối giản đề cao việc bỏ bớt đồ và tập trung vào nhu cầu thiết yếu nhất. Tuy nhiên việc bỏ bớt đồ phải dựa trên nhu cầu sống của từng cá nhân, điểm này ở mỗi người là khác nhau. Bạn không cần phải sống trong thiếu thốn, bất tiện để trở nên tối giản. Phong cách tối giản muốn bạn tập trung vào những điều quan trọng nhất, vậy cảm giác thoải mái và hạnh phúc của bạn chả phải quan trọng nhất hay sao?

Tối giản là ngừng mua sắm 

1 trong những lầm tưởng điển hình của người mới tìm hiểu về tối giản là để bảo vệ môi trường, để thoát ly hoàn toàn sự ràng buộc của vật chất. Người theo chủ nghĩa tối giản chỉ cần hạ tiêu chuẩn sống xuống mức cơ bản, bỏ qua sự tiện nghi và cảm xúc thiếu thốn của bản thân. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, nếu không quá cần thiết, thì không nên mua sắm.

Tuy nhiên, thực tế là nhu cầu cơ bản đó trước tiên phải đáp ứng được sự thoải mái, không khiến người thực hành có bất cứ cảm giác chịu đựng nào, nếu không cũng không thể duy trì lâu dài được.

Không phụ thuộc vào vật chất không có nghĩa là bạn để mình phải chịu đựng những món đồ đã hết hạn sử dụng. Tối giản là bạn giảm số lượng tới mức tối thiểu, nhưng đồng thời cho bạn cơ hội được đầu tư vào chất lượng nhiều hơn, tận dụng đồ đạc với tần suất tối đa và thay mới chúng để luôn đảm bảo được chất lượng cuộc sống tốt nhất trong điều kiện của bạn. 

Ứng dụng tư duy tối giản vào cuộc sống

Tối giản giúp bạn loại bỏ dần những thứ dư thừa và tập trung vào những điều giá trị
Tối giản giúp bạn loại bỏ dần những thứ dư thừa và tập trung vào những điều giá trị

Tối giản là 1 triết lý sống, không phải 1 trào lưu vậy nên sẽ không thể nhìn thấy hiệu quả ngay 1 sớm 1 chiều. Sau nhiều năm chú tâm thực hành, mình nhận ra tối giản có thể trở thành lối tư duy và áp dụng được trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.

Trong sở hữu vật chất

Như đã trình bày ở trên, khi áp dụng tối giản hóa vật chất. Bạn không những sẽ có 1 không gian sống thoáng đãng, dễ dàng dọn dẹp, ngăn nắp mà tiêu chuẩn sống khi xác định đầu tư vào chất lượng đồ đạc cũng sẽ tăng lên. 

Ngoài ra, đồ đạc thực chất chỉ là vật bên ngoài, dù đồ đắt hay rẻ không quan trọng bằng sự thoải mái mà chúng đem đến cho cuộc sống của bạn. 

Bạn mới là trung tâm của cuộc sống, nên đồ đạc có thể mua lại nếu thiếu, hỏng. Chúng chỉ được phép tồn tại trong không gian sống của bạn khi chúng không gây ra bất kỳ áp lực hay khiến bạn phải chịu đựng bất cứ bất an nào.

Trong công việc

Trong công việc, tư duy tối giản khiến mình nhìn nhận vấn đề trực quan hơn. Ban đầu chưa quen có hơi rắc rối khi mình áp dụng việc cụ thể hóa chi tiết công việc xuống giấy, đánh giá những tính chất và mức độ quan trọng, cần thiết của từng đầu việc. Sau đó tiến hành xử lý công việc theo mức độ quan trọng và cần thiết giảm dần. 

Thậm chí mình sẵn sàng loại bỏ những đầu việc được xếp vào mục không quan trọng, không cần thiết. Sự tập trung đó khiến chất lượng công việc tăng lên, hiệu quả cao hơn. Mình cũng không còn rơi vào tình trạng làm việc bận rộn suốt ngày nhưng cuối tháng, cuối năm không có thành tựu nổi bật nào hết.

Trong các mối quan hệ

Thực tế là chúng ta có rất ít các mối quan hệ chất lượng. Tư duy tối giản buộc mình phải xem xét lại từng mối quan hệ hiện có, xem xét sự tác động của chúng lên bản thân mình là tích cực hay tiêu cực. Nhu cầu của mình với mối quan hệ này là gì?. Từ đó tạo ra tiêu chuẩn để quyết định giữ lại hay từ bỏ 1 mối quan hệ.

Ví dụ: Khi còn là sinh viên, mình không dành nhiều thời gian cho chuyện yêu đương, bạn khác giới hay cùng giới lúc đó với mình chỉ là để trao đổi kiến thức và quan điểm sống. Mình hài lòng với việc tụ tập cùng bạn bè mỗi tuần 1 trong các hoạt động cộng đồng. 

Trong giai đoạn sau khi đi làm được vài năm, mình vẫn thích cuộc sống tự do, điều mình cần ở bạn trai là người bạn tâm giao, chia sẻ cùng nhau 1 khoảng thời gian gặp gỡ nhất định trong tuần, còn lại là thời gian dành cho bản thân, công việc và những mối quan hệ khác.  

Còn hiện tại mình mong muốn người bạn đời cùng mình vun đắp 1 tổ ấm nhỏ, dành thời gian đọc sách, ăn cơm mỗi tối với mấy mẹ con.

Nếu như không xác định nhu cầu thực của bản thân ở từng giai đoạn, mà dấn thân vào 1 mối quan hệ mình chưa sẵn sàng hoặc không phù hợp với bản thân ở giai đoạn đó. ví dụ như khi mình đang muốn dành thời gian học hành, phát triển sự nghiệp nhưng lại bước chân vào mối quan hệ với 1 người có nhu về hôn nhân và gây dựng gia đình. Thì không những bản thân phải chịu đựng mà còn gây khổ sở cho đối phương khi cả 2 đang hướng tới mục tiêu khác nhau.

Trong tư duy

Tư duy tối giản sẽ đem lại sự tinh tế trong suy nghĩ, và khả năng tập trung tốt. Trước đây mình là người đa mục tiêu, thường trong đầu của mình có rất nhiều ý tưởng đồng thời diễn ra và mình muốn thực hiện chúng cùng 1 lúc. Nhưng với năng lực có hạn của bản thân, mình không đạt được bất cứ thành tựu nào trong nhiều năm khi đồng thời triển khai nhiều dự án.

Tư duy tối giản khiến mình đánh giá lại từng mục tiêu 1, tìm ra được thứ mang lại giá trị nhất đối với mình và toàn lực tập trung cho nó. Đó là lý do mình quyết định từ bỏ mọi dự án dang dở, dành 5 năm trọn vẹn để trở thành 1 tư vấn viên KonMari.

Tất cả những gì mình học, và làm đều xoay quanh chủ đề này. Thậm chí khi đánh giá tiềm lực bản thân trong lĩnh vực này, mình cũng chỉ chọn 1 kênh blog để phát triển gây dựng thương hiệu cá nhân.

Điều này không những giảm bớt áp lực khi có quá nhiều kênh marketing cần xây dựng, mà còn giúp mình có thời gian để toàn tâm toàn ý đồng hành với khách hàng trong mỗi buổi tư vấn, hưởng thụ niềm vui với công việc mình đam mê, vẫn có thời gian chăm sóc bản thân và gia đình. 

Sự cân bằng từ bên trong này giúp mình thêm sáng tạo và động lực để đi đường dài.

Lối sống tối giản đã khiến cuộc sống của mình nhẹ nhàng, thoát ly khỏi sự phụ thuộc vào vật chất, đạt được tự do mà mình ao ước cả về vật chất lẫn tinh thần.

Đồng thời tư duy tối giản giúp mình thay vì chỉ làm việc lo toan cơm áo gạo tiền, đã dần tập trung tìm được ra giá trị đích thực mà bản thân muốn theo đuổi. Đó là công việc tư vấn viên dọn dẹp mình mơ ước, đầy cảm hứng và đam mê. Định vị được bản thân, hạnh phúc với những gì hiện hữu.

Dưới đây là 1 số sách hay về tối giản mà mình đã đọc, hy vọng sẽ đem đến cho bạn cái nhìn đa chiều về tối giản. Chúc bạn sớm đạt được tự do chân chính của mình!

Lối sống tối giản của người Nhật -tác giả Sasaki Fumio

Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản – tác giả Chi Nguyễn 

Lối sống tối giản thời công nghệ số – Cap Newport

Recommended Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *