Câu chuyện Mẹo gọn gàng

7 Mẹo đọc sách siêu nhanh, siêu dễ – Người lười cũng làm được

Cả thế giới đều biết đọc sách nuôi dưỡng tâm hồn, nâng cao trí tuệ, …Lợi ích của sách giống như tập thể dục vậy có thể viết cả năm không hết. Tuy nhiên những lợi ích to lớn đó cũng không cản trở được sự trì hoãn bên trong và những khó khăn bạn gặp phải khi mãi không thể nuôi dưỡng hứng thú đọc sách.

Dưới đây là 7 phương pháp đọc sách mình đã áp dụng thành công hình thành thói quen đọc sách và duy trì 5 năm nay. Mời bạn tham khảo nhé!

Cách hình thành thói quen đọc sách-Bắt đầu từ những mục tiêu rất nhỏ

Phương pháp đọc sách hiệu quả là gây dựng thói quen đọc sách từ từ
Mục tiêu nhỏ nhưng đều đặn tạo hiệu quả lớn lao

Cách này mình dùng thời gian đầu vì mình đã bỏ đọc sách kể từ sau khi tốt nghiệp đại học, mình chỉ đọc tạp chí, và các bài viết trên mạng xã hội. Khi làm quen lại với sách chữ, mình chọn những quyển sách có nội dung liền mạch, được dẫn dắt như 1 câu chuyện. Đó là mình nhé, vì mình vốn thích sách văn học, còn bạn có thể tìm những thể loại bạn thích. Bởi bắt đầu với những thứ bạn thích, bạn không cần quá nhiều nỗ lực để hoàn thành đâu.

Những cuốn sách như vậy thường hấp dẫn và khiến mình đọc 1 lèo là hết, cùng lắm là dừng lại ăn cơm hay đi vệ sinh thôi. Tuy nhiên nhược điểm là nó khiến mình xao nhãng công việc, bỏ bê kế hoạch trong ngày, khiến rất nhiều việc không thể hoàn thành. Vậy nên bạn nên quy định khoảng thời gian dành cho đọc sách. Ưu điểm của những cuốn sách này là trau dồi cảm xúc, làm giàu tâm hồn.

VD: 2 số phận, totto chan bên cửa sổ, hay gần đây là bộ hơi thở đồng xanh rất hay mình đọc ké cùng con gái.

Vậy là mình phát hiện ra mình không có vấn đề gì về đọc, tuy nhiên mình gặp khó khăn khi đọc những cuốn sách kỹ năng, sách chuyên ngành khô khan. Vậy là mình xây dựng những mục tiêu rất nhỏ mỗi ngày và hài lòng khen ngợi chính mình mỗi tối khi hoan thành những mục tiêu đó.

VD: ban đầu mình đặt mục tiêu là 5 trang sách 1 ngày, sau thấy khó quá mình hạ xuống 2 trang, rồi 1 trang. Đúng là có những ngày high mood mình có thể đọc 50-100 tr thậm chí đọc hết cuốn luôn. Nhưng mình chỉ làm thế khi mình không cảm thấy chút áp lực nào. Còn những ngày mình không có tâm trạng thì mình chỉ đọc đúng chỉ tiêu 1 trang rồi dừng lại, tích vào sổ và tự khen chính mình.

Đọc sách có liên quan đến công việc của mình

Phương pháp đọc sách có mục đích sẽ tiết kiệm thời gian và tăng kiến thức nền nhanh chóng
đọc sách có mục đích sẽ tiết kiệm thời gian và tăng kiến thức nền nhanh chóng

Thường người ta học nhanh nhất trong quá trình thực hành “trăm hay không bằng tay quen” mà. Nên mình tìm đọc những cuốn liên quan đến những gì mình đang quan tâm tại thời điểm hiện tại.

Điển hình như hồi đầu năm mình có thể đọc 8 cuốn sách dày hơn 300 trang/ cuốn/ tháng. Không phải vì tốc độ của mình đọc nhanh hơn đâu. Mà vì lúc đó mình đang học viết content nên mình lựa 8 cuốn mình về chủ đề viết lách.

Cuốn đầu mình đọc khá chậm vì nhiều thuật ngữ mình không hiểu nhưng càng về sau mình đọc càng nhanh vì nội dung các cuốn sách bổ trợ lẫn nhau, mình đọc lướt mục lục trước nên chỉ đọc thêm các phần khác nhau trong những cuốn sách để có cái nhìn đa chiều và đầy đủ hơn từ góc nhìn của các tác giả. Điều này dẫn đến mẹo tiếp theo đó là.

Mỗi 1 khoảng thời gian hãy chỉ nên đọc sách cùng 1 chủ đề

Đây là 2 tip mình học được trong cuốn sát thủ đọc sách của Aloha Tuấn. Chẳng hạn bạn muốn làm 1 nhà đầu tư chứng khoán. Hãy ra hiệu sách hoặc lên các bảng xếp hạng lớn để lựa sách, ôm hết 40-50 cuốn về chứng khoán về (mình nghĩ chắc không nhiều đến vậy đâu). Lên chỉ tiêu đọc hết trong 1-2 tháng. Việc đọc như vậy sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian bởi hiệu suất tăng kiến thức nền rất cao. Bạn sẽ sớm có ý kiến bất đồng với 1 vài tác giả vì sự thiếu vì những lỗ hổng trong kiến thức của họ.

Hãy ghi chép những điều bạn thấy cần học từ trong sách

7 mẹo đọc sách cho người lười
Ghi chép để nội dung chính hằn vào não tốt hơn

Mình rất ngại phần này, đặc biệt là với những cuốn sách thuộc lĩnh vực nào đó mới mẻ, vì hầu như cái gì cũng mới hết. Nhưng càng về những cuốn sau thì thực ra cũng không có nhiều cái để viết như bạn tưởng, bạn chỉ cần viết những thứ khác biệt ra bên cạnh để so sánh, đối chiếu thôi. Có thể đó là những ý kiến trái ngược. Dựa vào những luận cứ chứng minh của các tác giả để so sánh sẽ rất thú vị.

Việc ghi chép sẽ giúp bạn ghi nhớ lại ngay tại thời điểm viết 1 lần nữa, và dễ dàng tìm tư liệu sau này. Bạn sẽ tiết kiệm được việc phải đọc lại cuốn sách nhiều lần để ghi nhớ, khá tốn thời gian và công sức.

Tương tác với tác giả để rèn tư duy phản biện

Phương pháp đọc sách giúp bạn định hướng và đọc hiệu quả hơn
Phương pháp đọc sách giúp bạn định hướng và đọc hiệu quả hơn

 

 

Còn 1 cách để ghi chép nữa đó là bạn có thể chia cuốn sổ của bạn thành 2 phần 1 to 1 nhỏ, phần to để ghi những nội dung bạn cho là quan trọng. Phần nhỏ là để viết thắc mắc của bạn về vấn đề đó, như thể bạn muốn hỏi tác giả. Cách này mình học của bạn Chi Nguyễn – Blogger trang The present writer. Áp dụng trong các cuộc họp rất hay nhé.

Khi viết như thế này, chỉ cần đọc sách hoặc nghe họp 1 lần là mình nắm được gần hết các nội dung trọng điểm. Thế là khi người diễn thuyết hoặc giáo viên nói: Ai có câu hỏi gì không? thì mình sẽ bắn liên thanh nhiều câu hỏi. Người nói mát lòng vì có đứa thực tâm nghe mình nói, còn mình thì hả dạ vì bí bách nãy giờ không được hỏi mà cũng không quên mất thắc mắc cần giải đáp của mình.

Kỹ năng này giúp mình phát triển rất tốt tư duy phản biện đó. Hơn nữa nó cũng khiến não bộ tư duy tương tác với nội dung trong sách 1 chủ động chứ không bị động tiếp thu 1 chiều bằng mắt.

Lên lịch đọc lại sổ ghi chép vào mỗi cuối tuần, cuối tháng, cuối năm cho đến khi bạn cảm thấy không cần thiết nữa.

Điều này bạn chỉ làm được khi lên cho mình 1 lịch trình cụ thể, còn đa phần những gì bạn viết sẽ bị lãng quên ngay sau khi viết nếu nó không liên quan gì đến cuộc sống của bạn. Việc đọc lại tạo ra những vết hằn sâu hơn trong não của bạn và khiến bạn nhớ lại 1 lần nữa nội dung cuốn sách bạn đã đọc.

Thực ra dù bạn không đọc lại thì cũng không hẳn mọi thứ bạn đọc sẽ đi vào quên lãng hết. Mọi thông tin đầu vào bạn tiếp nhận dù vô tình hay cố ý đều được não bộ ghi nhận và tổng hợp lại tạo ra hành động đầu ra hay tư duy ra quyết định của bạn trong tương lai.

Có điều ở đây mình đọc lại để củng cố những nguồn đầu vào mà mình cho là chất lượng nhất. Còn sách, rất khó để bạn đọc lại 1 cuốn lần 2, nên nếu được, hãy cho, tặng để chúng tiếp tục sứ mệnh lan tỏa kiến thức của mình.

Sử dụng phương pháp đọc nhanh Nhật Bản – Phương pháp đọc sách cộng hưởng

phương pháp đọc sách cộng hưởng được giới thiệu bởi tác gia người Nhật rất hiệu quả trong nghiên cứu
Phương pháp đọc sách cộng hưởng giúp tiết kiệm thời gian và tổng hợp kiến thức dễ dàng chủ động hơn

Đây là 1 mẹo đọc sách rất hay mà tác giả cam kết bạn có thể đọc cuốn sách dày 500 trang trong vòng 20 phút. Cá nhân mình thấy rằng, có lẽ mình đọc chậm, viết chậm nên lần nào mình cũng cần 30-40p. Tuy nhiên 20-30 phút đọc hết 1 cuốn sách, đúc rút ra bài học thì đối với mình cũng trâu lắm rồi.

Phương pháp này dựa trên sự kết hợp từ thiền định và sự kết nối tâm linh. Cũng như phương pháp KonMari, tác giả Watanabe tin rằng đồ vật có linh hồn, đặc biệt thông qua cuốn sách chúng ta sẽ có sự kết nối tâm linh kỳ diệu với tác giả.

Cùng với 1 sơ đồ cộng hưởng thông qua những từ khóa đặc biệt mà ta nhận được dưới sự lựa chọn ngẫu nhiên khi kết nối với tác giả.Bạn sẽ nắm được 8-10 nội dung quan trọng của cuốn sách. Rút ra được bài học hay nội dung chính của cuốn sách và lên kế hoạch cụ thể với những thời gian cụ thể tính bằng tuần, bằng tháng, bằng năm để ứng dụng những gì bạn học được vào cuộc sống của chính mình.

Ưu điểm của phương pháp này là giúp bạn tiết kiệm thời gian đọc sách nếu bạn cần làm nghiên cứu, luận văn, hay làm dự án cần tham khảo nhiều nguồn tài liệu trong 1 thời gian ngắn.

Nhược điểm là nếu bạn muốn nuôi dưỡng cảm xúc hoặc phát triển tâm thức thì bạn cần nghiền ngẫm kỹ lưỡng từng từ. Và phương pháp này không thể dùng được.

Sử dụng sách đọc kết hợp sách nói

7 phương pháp đọc sách cho người lười
sách nói, 1 trải nghiệm thú vị cho người bận rộn

Mình là 1 bà mẹ toàn thời gian với 2 bạn nhỏ dưới 5 tuổi, 1 tư vấn viên KonMari thực tập, 1 blogger dọn dẹp bập bẹ vào nghề. Có rất nhiều việc cần phải làm, nhiều thứ phải học.

Để có thể tối ưu thời gian tự học, mình lựa chọn lướt qua phần giới thiệu của cuốn sách, và mục lục để nắm tổng quan cuốn sách, sau đó tranh thủ nghe sách nói của cuốn sách đó trong thời gian lau nhà, dọn dẹp, nấu nướng. Có thể nghe lại 1 cuốn 2-3 lần/tuần rồi cuối tuần ở nhà đọc sách giấy kỹ những phần mình thấy quan trọng trước đó trong lúc nghe, ghi chép lại.

Đừng lo lắng khi nghe sách nói bạn thấy mình không nhớ gì vì không ghi chép hay chú tâm. Khoa học đã chứng minh rằng mọi đầu vào đều có giá trị. Tác giả Nguyễn Duy Cần từng nói: “ Học là để quên”, việc đọc lại chi tiết những gì bạn muốn sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn là đọc cả quyển.

Đây là phương pháp mình dùng cho những cuốn sách hay về tâm thức.

Những phương pháp trên được mình kết hợp hoặc chia nhỏ sử dụng trong những giai đoạn nhất định. Có lẽ vì mình thích sự mới lạ và tìm được cảm hứng khi thay đổi. Bởi đọc sách cũng cần có niềm vui. Hy vọng rằng 7 mẹo đọc sách trên sẽ giúp việc đọc sách của bạn trở nên dễ dàng, thú vị và hiệu quả hơn.

»»Hữu ích: Cách sắp xếp sách ngăn nắp theo phương pháp KonMari

 

Recommended Articles

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *