
Bạn nghĩ rằng phương pháp KonMari chỉ đơn thuần là 1 phương pháp ngăn nắp nhà cửa?
Thì mình với gần 3 năm thực hành KonMari và nhiều người đã thực hành phương pháp này đều đồng ý rằng KonMari là 1 phong cách sống với những triết lý sống tác động đến mọi mặt của cuộc sống 1 con người, từ tư duy đến hành động.
Dưới đây là 1 số chia sẻ mà mình trải nghiệm được trong quá trình thực hành, bạn có thể tham khảo và bổ sung giúp mình nếu thấy thiếu nhé.
Trân trọng mọi thứ đang có
Phương pháp KonMari khuyến khích giữ lại những thứ mang lại cảm xúc tích cực và có tính ứng dụng cao trong không gian sống của mình đồng thời dứt khoát nói “cảm ơn”, “Tạm biệt ” với những món đồ mang cảm xúc tiêu cực, hay đơn giản chỉ là không còn cảm xúc và nhu cầu sử dụng nữa.
Tư duy này khiến bạn rõ ràng chú tâm tới cảm xúc của bản thân và hiểu rõ cảm xúc của mình hơn.
Đứng trước món đồ bạn biết rằng bạn yêu thích, bạn sẽ vô thức sử dụng chúng với thái độ trân trọng, cử chỉ sẽ cẩn thận, nhẹ nhàng hơn.
Với những món đồ đã xác định mang ra khỏi không gian sống của mình, check lại cảm xúc, nói cảm ơn để chia tay cũng thể hiện lòng biết ơn vì những cảm xúc và kỷ niệm tốt đẹp mà món đồ mang tới.
Ví dụ: 1 bộ đồ bạn rất thích ngoài cửa hàng, nhưng mang về nhà, mặc lên người 1 lúc lại thấy không thoải mái, không thấy đẹp nữa. Lời cảm ơn ở đây thể hiện sự biết ơn với cảm xúc vui sướng bạn nhận được ngoài cửa hàng, với bài học về trải nghiệm không thoải mái khi mặc ở nhà. Trải nghiệm sâu hơn, bạn sẽ nhận ra sự không phù hợp với bạn ở điểm nào và rút kinh nghiệm cho lần mua sắm sau.
Thực hành sâu hơn, tôi nhận ra không chỉ là những món đồ, mà cả những sự việc xảy đến, những người mình gặp trong cuộc sống, công việc. Có những người, những sự việc mang đến cảm xúc vui vẻ nhưng có khi lại ngược lại. Thái độ biết ơn mọi điều, mọi người ta gặp, trân trọng trải nghiệm và bài học mình nhận được, giúp mình đón nhận những cảm xúc dù vui hay buồn bằng 1 tâm thế chủ động, bao dung hơn. Tôi không còn tập trung phán xét sai lầm của chính mình hay đổ lỗi cho bên ngoài nữa.
Spark Joy

Trước đây tôi luôn cho rằng để duy trì ngăn nắp phải dựa vào lý trí. Tuy nhiên phương pháp KonMari lại đưa tới 1 mindset hoàn toàn mới: “Ngăn nắp dựa trên cảm xúc”. Thật vậy, thành công của KonMari là đưa ra quyết định lựa chọn dựa trên sự “rung động” với đồ đạc mà tiếng anh gọi là “Spark Joy”. – Đó là khi bạn chạm vào 1 món đồ, bỗng thấy như bên trong mình có sự rung động, đi lên của cảm xúc, như 1 bông bật nở tung cánh sau khi rút ra khỏi giấy bóng, như 1 tiếng kêu ting tang vui nhộn trong lồng ngực.
Với cảm xúc ấy, mọi món đồ bạn quyết định giữ lại trong không gian sống của mình đều hợp lý, đều đúng đắn.
Bởi bạn còn spark joy với món đồ, bạn sẽ luôn tìm được chỗ ngăn nắp cho nó, hay dù bạn có để nó ở đâu cũng sẽ luôn vừa mắt.
Điều này đúng với cả công việc, với cả các mối quan hệ. Ngẫm mà xem, việc bạn thích, người bạn yêu bạn luôn thấy nó dễ và sẵn sàng dành thời gian cho nó với sự tự nguyện cao nhất.
Cuộc sống luôn biến đổi, cảm xúc spark joy của mỗi người lại khác nhau, trong mỗi giai đoạn trong đời, điểm spark joy của 1 người cũng thay đổi. Vậy nên việc kiểm tra cảm xúc của bản thân liên tục, hiểu được điểm spark joy của chính mình là điểm neo để bạn hiểu biết chính mình sâu sắc hơn.
Mọi thứ đều có nhà để về
Đây là 1 quan điểm quan trọng nữa mang lại thành công cho phương pháp KonMari. Đồ đạc cũng vậy, con người cũng vậy, các đầu công việc cũng vậy. Khi xác định được nơi chốn đi về của đồ đạc, của 1 con người, của các đầu việc trong 1 dự án, điều này mang đến cho tôi 1 sự rõ ràng ổn định và 1 sự an tâm khó diễn tả thành lời.
Khi xác định được nhà để về của đồ đạc, bạn sẽ dễ ngăn nắp và hướng dẫn những người xung quanh, thậm chí 1 em bé 3 tuổi cách ngăn nắp với chúng.
Trong công việc cũng vậy, khi xác định được phạm vi của các đầu việc, tôi cũng dễ dàng phân loại và xử lý chúng hơn.
Đặc biệt việc giới hạn phạm vi đầu việc cũng khiến cho việc ước lượng thời gian và nguồn lực cần thiết để xử lý chính xác. Từ đó tôi xác định được khả năng hoàn thành công việc của mình đến đâu – Điều này giúp tôi nhìn thấy kết quả sớm và hào hứng làm việc hơn.
Việc xác định nhà cho mọi thứ cũng đồng thời giới hạn lại lòng tham của tôi. Tôi không còn cố mua hàng trong các đợt sale dày đặc vì biết không gian cho những món đồ đó trong nhà mình là có hạn.
Tôi cũng không nhận thêm quá nhiều việc, vì tôi biết rằng khay chờ xử lý mỗi ngày cần được làm trống thật nhanh vừa đảm bảo chất lượng công việc, vừa giảm stress, đảm bảo chất lượng cuộc sống.
Đó là cách tôi học lại bài học của sự biết đủ.
Bày mọi thứ ra trước mắt

Nếu như quan điểm mọi thứ đều có nhà để về là tiêu chuẩn để giới hạn không gian cho mọi thứ thì mindset “Hãy bày mọi thứ ra trước mắt” sẽ là công cụ để bạn so sánh, đánh giá và tìm kiếm những điều mang đến Spark Joy hiệu quả.
Không chỉ với những món đồ, tôi đã áp dụng tư duy này của phương pháp KonMari trong cả quản lý thời gian và tiền bạc.
Hãy bày mọi thứ ra, cụ thể lượng thời gian hay tiền bạc tôi có xuống giấy, lần đầu tiên làm chuyện này, tôi đã thực sự sốc với lượng thời gian thực tế và số tiền mình thực sự có.
Để rồi từ đó, mỗi ngày điều chỉnh 1 chút, bỏ đi những thói quen trì hoãn, những tiêu xài bất hợp lý. Tập trung nguồn lực thời gian, tiền bạc cho những mục tiêu Spark Joy và quan trọng, cuộc sống của tôi từ đó trở nên rõ ràng và chất lượng hơn.
Ví dụ:
Về thời gian, trước đây tôi luôn cho rằng mình chẳng có thời gian để đọc sách hay học thêm 1 điều gì đó. Tuy nhiên sau khi liệt kê lại quỹ thời gian trong 1 ngày của mình, tôi nhận ra những giờ lướt net của tôi khá dài, thời gian chăm sóc con dàn trải cả ngày nhưng hoàn toàn có thể đan xen thêm việc học khi con tự chơi. Thậm chí đến giờ, sau 1 thời gian dài điều chỉnh, tôi không những vẫn chăm con tốt, có thời gian đọc sách, làm việc, mà còn có thời gian skincare và tập yoga 1h30p mỗi ngày sáng chiều.
Vẫn chỉ 24h đó thôi, nhưng cuộc sống của tôi tràn ngập niềm vui và sắc màu hơn cách đây 3 năm rất nhiều.
Về tài chính cũng vậy, nhờ cụ thể từng món chi tiêu xuống giấy, đánh giá và xem xét chúng. Tôi đã tìm được lỗ hổng tài chính của gia đình, xác định được giá trị của bản thân nếu quy ra tiền, từ đó có những cuộc trò chuyện nghiêm túc với chồng về tài chính gia đình. Hơn thế, tôi còn nhận ra được mốc tài chính đủ để gia đình mình thoải mái, chứ không còn mông lung cắm đầu làm việc kiếm tiền mà không biết bao nhiêu mới đủ nữa.
Điều này đưa tôi thoát ra khỏi nỗi ám ảnh sợ thiếu tiền, bị tiền ràng buộc, tự do tập trung nhiều hơn vào những giá trị tinh thần khác ngoài vật chất.
Và điều này cũng thúc đẩy tôi tập trung cho tư duy sống ở hiện tại tiếp theo.
Sống ở hiện tại

Phương Pháp KonMari lặp đi lặp lại bài tập kiểm tra cảm xúc Spark Joy với mỗi đồ đạc, với mỗi con người và sự việc mọi lúc mọi nơi. Điều này giúp hình thành thói quen tập trung vào thời điểm hiện tại, chăm sóc cảm xúc và bản thân ở giây phút ấy. Từ đó trân trọng cuộc sống ở hiện tại hơn.
Thật vậy, ngay khi xác định điểm đủ về tài chính, vợ chồng tôi bớt đi áp lực phải kiếm thật nhiều tiền để lo cho tương lai con cái, lo cho bố mẹ và tuổi già của mình.
Sự tự do ấy giúp chúng tôi tập trung vào chăm sóc bản thân nhiều hơn, bớt thời gian làm việc để chăm sóc sức khỏe, chăm sóc con cái, bạn đời, thời gian ấy cũng chất lượng hơn nhờ sự toàn tâm toàn ý.
Tại thời điểm này, khi bạn thứ 2 nhà tôi mới gần 3 tuổi, tôi đã cảm thấy đủ an toàn và tự do để mỗi tuần dành nửa ngày đến đài VAF đọc truyện cho các bạn nhỏ khiếm thị.
Tôi nhận thấy mình đang bước vào 1 hành trình sống ý nghĩa, vượt ra khỏi ràng buộc của mưu sinh vươn tới tự do hơn.
Tương lai hay quá khứ đều không còn là nỗi lo lắng và nuối tiếc nữa, Spark Joy nằm ở hiện tại, ở chính phút giây này mà thôi.
Biết đủ nhưng không nhàm chán
Đây cũng là 1 phúc lợi của việc trân trọng hiện tại, phương pháp KonMari giúp tôi tập trung vào những thứ mang đến sự rung động. Đồng thời việc kiểm tra cảm xúc thường xuyên cũng chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho những cuộc chia tay với những quyết định sai, những món đồ không mang lại niềm vui.
Bởi trong triết lý của KonMari, việc buông bỏ những thứ không còn phù hợp là để dọn chỗ cho những thứ mới mẻ và thu hút những thứ Spark Joy tươi mới sẽ đến.
Việc chia tay với lòng biết ơn cũng khiến ta bao dung hơn với lựa chọn sai lầm của mình và cho bản thân cơ hội lựa chọn lại, thử sai nhiều hơn để tiến dần tới lựa chọn đúng thời điểm, phù hợp với bản thân hơn trong tương lai.
Kiểm tra spark joy mỗi ngày cũng là cách vượt ra khỏi giới hạn về mặt không gian, thời gian, số lượng đồ đạc, hay nói rộng ra, trong cuộc sống, là những khuôn phép, những tiêu chuẩn cũ, không còn phù hợp đã từng giúp ta tiến bộ rất nhiều trong quá khứ.
Đánh giá cao những món đồ cũ

Nhiều người cho rằng ngăn nắp rất tốn kém, phải luôn thay mới thường xuyên, phải luôn dùng đồ mới và đắt tiền. Theo tôi đó chỉ là 1 mặt của vấn đề, bởi đồ mới và trải nghiệm mua sắm đúng là mang đến những cảm xúc vui vẻ ngắn ngủi, và đúng là nâng cấp chất lượng cuộc sống là mục đích cuối cùng của KonMari.
Tuy nhiên điều mà triết lý sống KonMari hướng tới lại là trân trọng sự sâu sắc, những cảm xúc ẩn giấu rất sâu ở bên trong chúng ta.
Bạn có thể giữ lại 1 món đồ, dù nó còn mới hãy đã cũ thậm chí đã hư hỏng nếu như bạn yêu thích nó đủ để dành thời gian cải tạo nâng cấp hay chăm sóc nó, chứ không phải giữ nó lại vì cảm giác quen thuộc hay bám chấp dù đã thấy bất tiện khi sử dụng.
1 món đồ nếu được chăm sóc sử dụng thường xuyên sẽ ít cũ hỏng, phủi bụi. Thậm chí với sự sáng tạo và tình yêu đủ nhiều, người ta sẽ sẵn sàng dành thời gian để sửa chữa nâng cấp món đồ cho phù hợp với chất lượng cuộc sống hiện tại của mình.
Điều này được thể hiện ở việc sau dọn dẹp, bạn sẽ có 1 thời gian cố định dành cho việc sửa chữa những món đồ mà bạn muốn giữ lại nhưng không đáp ứng được nhu cầu hiện tại của bạn.
VD: Như 1 chiếc váy rất đẹp, mềm mại nhưng hơi rộng, … Nếu thích mặc nó, bạn sẽ mau chóng mang ra tiệm sửa lại cho vừa với cơ thể mình chứ không phải treo vào tủ, tự nhủ rằng mình sẽ mang sửa vào ngày nào đó rồi quên bẵng đi.
Điều này trong văn hóa Nhật cũng thể hiện ở nghệ thuật gốm Kitsugi – bộc lộ sự không toàn vẹn của món đồ qua những đường phục chế vết nứt màu vàng rõ nét chứ không giấu diếm.
Trông chúng còn đẹp và hoàn hảo hơn cả những món đồ nguyên vẹn không tì vết.
Cuộc sống cũng nhiều cung bậc như vậy: có vui, có buồn, có thất vọng, đau khổ, có hy vọng, chán nản, có hạnh phúc, hy vọng… Tất cả chúng bổ trợ và tạo nên sắc màu rực rỡ hình thành nên nội tâm của 1 con người. Nếu không có đau khổ, bạn không thể nhận ra hạnh phúc quý giá chừng nào, nếu không có nỗi buồn, sao biết niềm vui ngắn ngủi làm sao, không có tuyệt vọng, làm sao biết hy vọng thế nào…
Ngay cả với chính tôi, nếu không sống trong 1 gia đình đông người, có con nhỏ, rơi vào bế tắc của sự bừa bộn, thì tôi cũng không tìm ra được lối thoát ngăn nắp cuộc sống của mình và sống hạnh phúc như lúc này.
Trân trọng bản thân

Sống với hiện tại, biết đủ hay bày mọi thứ ra trước mắt là những mindset dẫn dắt tôi đến 1 lối sống tập trung vào chính mình, tìm ra và tập trung vào những điều giá trị nhất trong cuộc sống – đó là chính bản thân mình.
Chúng ta thường làm việc quên ăn, quên ngủ, quên mất sức khỏe và thời gian của mình là hữu hạn và quên mất rằng thực ra việc kiếm tiền, mua sắm đồ đạc, tích lũy tài sản mục đích cuối cùng là để phục vụ chính chúng ta.
Bạn dành bao nhiêu thời gian ở cơ quan, bao nhiêu thời gian ở nhà, bạn kiếm tiền vì điều gì?
Khi tự hỏi mình câu này, và cũng hỏi nhiều khách hàng, đa phần câu trả lời là để có 1 cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai.
Nhưng sự thật lại là bạn không có gì ngoài hiện tại này. Với việc chú tâm chăm sóc bản thân bằng cách nâng cấp không gian sống ngăn nắp, bạn có thể nhận ra rằng: bạn có thể ăn ít đi với thức ăn healthy hơn, không cần tốn tiền mua nhiều quần áo che khuyết điểm, không cần mua thực phẩm giảm cân, ít phải mua thuốc hơn cho các vấn đề sức khỏe…
Tận hưởng cảm giác vui vẻ dễ chịu ngay tại nhà sau giờ làm việc với không gian thoáng đãng dễ chịu, với những món đồ ít hơn hiện tại nhưng hợp ý bạn hơn, hay tạo cho mình những phút giây lành mạnh ưng ý tại cơ quan.
Chỉ có việc trân trọng bản thân, quan tâm và trung thực với cảm xúc của chính mình mới giúp tôi lựa chọn được 1 cuộc sống như vậy ngay cả khi tôi chưa có nhiều tiền và công việc mới chỉ khởi đầu. Niềm vui không nằm ở tương lai, niềm vui là tận hưởng sự chăm chỉ, nỗ lực của bản thân ở những mục tiêu be bé mỗi ngày.
Định hướng được hướng đi đúng đắn – Luôn biết mình muốn gì
Một điều tuyệt vời nữa mà tôi nhận được sau khi thực hành ngăn nắp cuộc sống và phong cách KonMari trong 3 năm là khi tập trung vào cảm xúc của mình, quan tâm tới món đồ mang lại cảm xúc vui vẻ, nghiền ngẫm thể loại sách mà mình yêu thích. Tôi hiểu ra mình yêu thích viết lách và việc chia sẻ niềm vui cuộc sống đến thế nào.
Tự hỏi bản thân có sẵn sàng dành thời gian và chịu đựng những áp lực mà việc đó mang đến để biến chúng trở thành giá trị của mình không?
Tôi đã đưa ra quyết định về hướng đi tương lai của mình trên cơ sở đó.
Chặng đường nửa năm qua, có những thời gian áp lực với những phản đối, ủng hộ của người thân, những công việc mình không thích thật khó khăn như thiết kế ảnh, học marketing, mạng xã hội nhưng cần thiết phải học và làm ngoài đọc sách, viết lách, tư vấn ngăn nắp…
Niềm vui của tôi lớn dần theo năng lực bản thân, mỗi khi tôi rút ngắn dần được việc lên ý tưởng hay chỉnh sửa 1 bức ảnh cho phù hợp với content của mình.
Khi không gian ngăn nắp, sự bức bối trong tâm trí được gỡ dần ra, tôi làm việc tập trung và hiệu quả hơn.
Khi tâm trí ngăn nắp, tôi hiểu rõ bản thân, tìm được điều trọng tâm của cuộc đời mình và dành thời gian chăm sóc kiên trì với chúng.
Không còn bị xao lãng bởi những dự án hấp dẫn bên ngoài, sống có định hướng rất tốt phải không?
Hiện tại chỉ cần miệt mài mỗi ngày là đủ nhỉ?
Với những giá trị nhận được từ quá trình thực hành triết lý sống KonMari, tôi mong rằng bạn có thêm tư liệu tham khảo về 1 phương pháp tổ chức quản lý cuộc sống khoa học giúp giảm tải stress, thoát ra khỏi sự ràng buộc, định hướng của truyền thông, chủ nghĩa tiêu dùng.
Biết đâu bạn có thể thiết kế cho mình 1 cuộc sống đơn giản và chất lượng hơn hiện tại.
Hãy chia sẻ với tôi những gì bạn đạt gặt hái được nhé!
Tìm hiểu thêm về tác giả và phương pháp KonMari tại đây Review sách Dọn Dẹp cùng Marie Kondo – không chỉ là 1 cuốn sách về dọn dẹp